Vỏ bọc hào nhoáng của ”nữ đại gia quận 7″ trước khi bị tuyên án chung thân vì giăng bẫy lừa hơn 1.200 tỷ đồng
- admin
- 0
Phùng Thị Nghệ tạo vỏ bọc là doanh nhân thành đạt, lên kế hoạch thành lập ngân hàng ngoại hối, đã huy động nhiều người “góp vốn” rồi lừa đảo 1.200 tỷ.
Ngày 27/5, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên phạt bà Phùng Thị Nghệ (38 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM) – Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Việt Hưng Phát tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại phiên tòa, bà Nghệ không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, mà cho rằng bản chất việc nhận tiền từ bà T.B.T., bà T.N.L. là giao dịch dân sự và “tố” 2 người này cho vay với lãi suất cao hơn nhiều lần mức lãi suất cao nhất quy định.
Bị cáo Phùng Thị Nghệ
HĐXX nhận định bị cáo Phùng Thị Nghệ đưa các thông tin gian dối, việc kinh doanh cây xăng không có thật; có họp bàn mở ngân hàng nhưng bị cáo không thực hiện các thủ tục thành lập ngân hàng, mà dùng tiền để mua biệt thự, nên đủ căn cứ xác định cáo trạng truy tố đúng.
Về trách nhiệm dân sự, theo HĐXX, hồ sơ thể hiện bị cáo chiếm đoạt của 2 bị hại gồm: bà N.N.L, bà T.B.T hơn 1.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, quá trình kêu gọi “hợp tác”, Nghệ đã chuyển lại “lợi nhuận” cho bà T. hơn 441 tỉ đồng, bà L. hơn 443 tỉ đồng. Sau khi trừ số tiền bị hại đã nhận, HĐXX buộc bị cáo bồi thường hơn 320 tỉ còn lại cho 2 người bị hại.
Phùng Thị Nghệ trước và sau khi bị Công an TP.HCM bắt giam
Tạo vỏ bọc hào nhoáng, đánh bóng tên tuổi lừa hàng trăm tỉ đồng
Trước đó, theo tài liệu điều tra từ cơ quan công an, để tạo sự tin tưởng cho các nạn nhân, Phùng Thị Nghệ luôn chứng minh rằng mình là doanh nhân đẳng cấp với vẻ ngoài diện toàn hàng hiệu, đi xe sang, xài tiền rất thoáng.
Nạn nhân của Nghệ là những người làm ăn có tiếng trong lãnh vực bất động sản ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Dương… Trong đó, người bị lừa số tiền khủng nhất là bà T.B.T (ngụ quận 7, TP.HCM) với 260 tỉ đồng.
Cuộc sống sang chảnh được Phùng Thị Nghệ tạo ra để lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng của nhiều người
Theo nội dung tố cáo gửi cơ quan chức năng của bà T.B.T thể hiện, bà quen biết vợ chồng bà Phùng Thị Nghệ qua một người bạn chơi thân và cũng là hàng xóm với bà hơn 20 năm nay.
Ban đầu người bạn này giới thiệu đang làm ăn với vợ chồng bà Nghệ mảng xăng dầu và thu đổi ngoại tệ cần 50 tỷ đồng “ôm” lô hàng xăng giá rẻ và rủ bà T. góp tiền. Tin tưởng bạn bè nên bà T. đồng ý góp vốn.
Sau đó, bà Nghệ 2 lần đề xuất và bà T. đồng ý góp thêm 56 tỷ đồng mua lô hàng xăng dầu tiếp theo.
Khi tạo được niềm tin với bà T., bà Nghệ tiếp tục “vẽ” ra việc mở “Ngân hàng ngoại hối Việt Nam” và mời bà T. tham gia góp vốn để trở thành cổ đông sáng lập, với cổ phần khoảng 10%.
Bà T. tiếp tục huy động, vay mượn bạn bè, người thân và nhiều lần chuyển cho bà Nghệ với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng. Để tạo niềm tin, bà Nghệ còn mời gia đình bà T. khai hồ sơ để đứng tên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và gửi con của bà T. sang “học việc” ở một ngân hàng lớn tại TPHCM.
Thời gian trôi đi, tiền đưa cho Nghệ lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng phương án lập ngân hàng không thấy tiến triển. Nghi ngờ nên bà T. lập vi bằng và yêu cầu Nghệ xác nhận số tiền đã nhận.
Ngày 15/3/2021, Nghệ xác nhận trong vi bằng được lập tại TP HCM rằng: “Vợ chồng tôi đã vay và nhận số tiền của bà T. 260 tỷ đồng”.
Cùng chiêu thức trên, ông C.X.V (P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM) cũng lâm vào cảnh đổ nợ vì “góp vốn” 27,6 tỉ đồng cho bà Nghệ để làm ăn và thành lập “ngân hàng ngoại hối”. Trong đơn tố cáo, ông V. cho biết, ông quen biết bà Nghệ qua người bạn chơi cùng. Năm 2019, bà Nghệ nói ông V. cho mượn 19 tỉ đồng để đáo hạn ngân hàng, kèm theo điều kiện sẽ chia phần lợi nhuận từ 0,2 – 0,3%/ngày.
Tin tưởng bà Nghệ, ông V. lấy hết tài sản, cầm cố nhà và huy động vốn từ bạn bè đủ 19 tỉ đồng chuyển cho bà Nghệ. Thời gian đầu, bà Nghệ trả lợi nhuận đúng như cam kết, đúng thời gian. Giữa năm 2020, ông V. đề nghị bà Nghệ trả lại phần vốn ông cho mượn để trả tiền ngân hàng, bà Nghệ viện lý do đang tập trung để thành lập “ngân hàng ngoại hối” nên chưa trả liền được. Bà Nghệ rủ ông V. góp vốn vào để thành lập ngân hàng (sẽ được cấp phép tháng 12.2020) và hứa sẽ cho ông làm giám đốc bộ phận thu hồi nợ.
Tháng 4.2021, bà Nghệ nói cần thêm 9 tỉ đồng để “bôi trơn” giấy phép thành lập ngân hàng nên nhờ ông V. giúp với lời hứa sẽ trả lại 19 tỉ đồng của ông V. sau khi ngân hàng đi vào hoạt động. Sau đó, ông V. lại đi vay mượn khắp nơi được 8,6 tỉ đồng đưa cho bà Nghệ. Từ đó trở về sau, ông V. nhiều lần liên hệ với bà Nghệ nhưng bất thành, tìm đến nhà và công ty đều đóng cửa.
Cùng đưa tin về vụ việc, báo Công an TP.HCM thông tin thêm, căn cứ vào kết quả điều tra vụ án ban đầu, Cơ quan điều tra xác định Phùng Thị Nghệ đã có hành vi đưa ra thông tin gian dối về việc thành lập ngân hàng và cam kết, hứa hẹn cho bà T.B.T và các cá nhân khác đứng tên cổ phần sau khi ngân hàng được thành lập, mục đích để chiếm đoạt tiền của bà T.B.T và các cá nhân.
Nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, bị chủ nợ lùng sục khi tin tưởng lời mời gọi góp vốn của ”siêu lừa”
Chiêu bài Nghệ đưa ra khiến bà T. và không ít người sập bẫy là kêu gọi hợp tác làm ăn ở lĩnh vực thu đổi ngoại tệ và buôn bán xăng dầu. Ban đầu, Nghệ chi trả các khoản lợi nhuận rất đúng hạn, sòng phẳng. Để đánh bóng tên tuổi, vợ chồng Nghệ thường đưa các đối tác về nhà riêng, trụ sở công ty ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), giới thiệu có cả hàng chục chiếc siêu xe, ăn chơi sang chảnh.
Các nạn nhân khi tố cáo vợ chồng Phùng Thị Nghệ, đã “đấu tố” trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình)
Nhìn thấy cơ ngơi hoành tráng nên các “con mồi” hoàn toàn tin tưởng. Sau khi đã lấy được lòng tin từ các “đối tác”, cặp vợ chồng này “tung chiêu” góp vốn thành lập ngân hàng để tiếp tục dụ những người góp vốn với số tiền nhiều hơn.
Trong số những người bị lừa tiền có gia đình bà P.T.H.H. (ngụ đường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương, Hải Dương). Thông qua mối quan hệ từ trước đó, Nghệ đã quen biết bà P.T.H.H. và dần chiếm được lòng tin.
Ban đầu bà Nghệ rủ bà cùng đầu tư xăng dầu, thu đổi ngoại tệ và chi trả lợi nhuận sòng phẳng. Sau đó do tin tưởng nên bà Hà rủ cả người thân gom tiền, bán đất, bán nhà, bán xe chuyển cho bà Nghệ tổng cộng 170 tỉ đồng để mở ngân hàng.
Nhưng sau khi mọi chuyện vỡ lở, bà H. tìm hiểu thì “kế hoạch” hoành tráng mở ngân hàng là bịa đặt. Ôm đống nợ, vợ chồng bà H. bị chủ nợ lùng sục khắp nơi, chồng bà phải vào TP.HCM chạy xe ôm.
Được biết, trên địa bàn TP Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM có nhiều người rơi vào hoàn cảnh nợ nần chồng chất, gia đình ly tán do tin lời góp vốn cùng mở ngân hàng với bà Nghệ. Không liên lạc được với vợ chồng bà Nghệ, các nạn nhân chỉ biết trông chờ vào việc điều tra của cơ quan công an mới hy vọng lấy lại được tiền.
Theo cáo trạng, từ năm 2019 – 2021, Phùng Thị Nghệ dùng tiền vay mượn mua hơn chục xe sang, bất động sản ở những khu vực có giá trị cao. Việc làm này của bị cáo nhằm xây dựng hình ảnh doanh nhân thành đạt, đồng thời Nghệ giới thiệu bản thân có nhiều cây xăng, quầy thu đổi ngoại tệ và với nhiều mối quan hệ xã hội khác, bị cáo còn đang làm hồ sơ thành lập ngân hàng tư nhân.
Tuy nhiên, quá trình điều tra xác định Phùng Thị Nghệ không kinh doanh xăng dầu, quầy thu đổi ngoại tệ hoạt động không hiệu quả, đồng thời Nghệ không đứng tên đại diện pháp luật đối với các quầy kinh doanh thu đổi ngoại tệ; không thực hiện bất kỳ thủ tục thành lập ngân hàng.
Thực tế, sau khi nhận tiền từ các bị hại, Nghệ dùng tiền trả nợ, tiêu xài cá nhân, rồi lại tiếp tục huy động tiền từ các cá nhân khác để trả lại cho các bị hại nhằm nhận được sự tin tưởng.
Trong những người tố cáo Nghệ, cơ quan tiến hành tố tụng xác định bà L., bà T. bị Nghệ lừa hơn 1.200 tỉ đồng. Riêng 8 người khác ở nhiều tỉnh, thành tố cáo Nghệ chiếm đoạt khoảng hơn 500 tỉ đồng, Công an TP.HCM đã tách thành vụ án khác để xử lý ở giai đoạn 2, do hết thời hạn điều tra.
Nguồn: https://phunumoi.net.vn/vo-boc-hao-nhoang-cua-nu-dai-gia-quan-7-truoc-khi-bi-tuyen-an-chung-than-vi-giang-bay-lua-hon-1200-ty-dong-d312842.html