Chuyên gia lý giải nguyên nhân Bắc Bộ ngập lụt, sạt lở từ miền núi đến đồng bằng
- admin
- 0
Chuyên gia lý giải nguyên nhân mưa lớn dồn dập ở Bắc Bộ khiến nhiều nơi ngập sâu, cùng với đó là lũ quét, sạt lở gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, Bắc Bộ vừa trải qua 5 ngày mưa lớn diện rộng, tập trung ở các tỉnh vùng núi và trung du.
Tổng lượng mưa từ 19h ngày 28/7 đến 7h ngày 1/8 trên các khu vực phổ biến trong khoảng 100-200mm, cục bộ một số nơi mưa rất to với lượng mưa trên 200mm như: Mường Tè (Lai Châu) 388mm, Chợ Đồn (Bắc Kạn) 366mm, Quang Bình (Hà Giang) 360mm, Chiêm Hoá (Tuyên Quang) 313mm, Móng Cái (Quảng Ninh) 351mm… Đặc biệt, tại Định Hoá (Thái Nguyên) lượng mưa ghi nhận 523mm.
Mưa lớn xảy ra dồn dập trong khoảng thời gian ngắn gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở nhiều nơi.
“Chúng tôi xác định, tác động của một vùng xoáy thấp trên khu vực Bắc Bộ phát trển từ tầng thấp (1.500m) lên tầng cao (5.000m) kết hợp với hội tụ gió Tây Nam dày là nguyên nhân chính gây ra đợt mưa này”, ông Khiêm nói.
Nước ngập 10 ngày chưa rút
Tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), 10 ngày qua, người dân xã Nam Phương Tiến quay cuồng trong mưa lũ, ngập lụt. Từ rạng sáng 24/7, nước sông Bùi tràn qua đê, dòng nước nhấn chìm nhà cửa, thôn xóm, nơi sâu nhất ngập khoảng 2m. Người dân đi lại trên đường làng bằng thuyền, cuộc sống đảo lộn do thiếu điện, thiếu nước sạch và môi trường ô nhiễm.
Lý giải điều này, ông Khiêm cho biết, sông Bùi dài 91km, bắt nguồn từ xã Lâm Sơn (huyện Lương Sơn, Hòa Bình), chảy qua huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cùng với sông Tích hợp lưu vào sông Đáy tại xã Phúc Lâm, huyện Chương Mỹ.
Ảnh hưởng của rãnh gió mùa nối với vùng áp thấp do bão số 2 suy yếu, trong ngày 23/7 và 24/7, khu vực Hà Nội và tỉnh Hoà Bình xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tại khu vực huyện Lương Sơn trong 2 ngày (23-24/7) đạt 200-300mm, tại huyện Chương Mỹ (điểm Xuân Mai) lượng mưa 450mm.
“Rốn lũ” huyện Chương Mỹ ngập sâu suốt 10 ngày nay, đường làng biến thành sông. (Ảnh: Viên Minh)
Mưa lớn trong thời gian ngắn, nước từ thượng nguồn sông Bùi thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đổ về vùng thấp là huyện Chương Mỹ (Hà Nội) kết hợp với mưa trên khu vực huyện Chương Mỹ làm cho các xã vùng trũng như Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến… ngập sâu.
Đợt lũ từ ngày 23/7 đến nay đã đạt đỉnh. Lúc 14h ngày 28/7, tại trạm Yên Duyệt trên sông Bùi, mực nước đo được là 7,43m (trên báo động 3 là 0,43m) và đang xuống đến 7h ngày 1/8 đạt 6,91m (dưới báo động 3 là 0,09m).
“Tuy nhiên đây không phải đợt lũ cao nhất trong 15 năm qua. Thực tế, năm 2018 đã xuất hiện một đợt lũ trên khu vực này với mực nước cao hơn. Cụ thể, mực nước cao nhất đo được tại trạm Yên Duyệt trên sông Bùi là 7,51m lúc 15h ngày 30/7/2018, trên báo động 3 là 0,51m”, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia thông tin.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia.
Cũng tại Bắc Bộ, trong cả tháng 7/2024, tổng lượng mưa phổ biến 250-500mm (cao hơn 30-55% so với trung bình cùng thời kỳ). Cá biệt tại một số trạm quan trắc có lượng mưa tương đối lớn như:
Khu vực Tây Bắc: tại trạm Sơn La 599mm (cao hơn 119% so với trung bình cùng thời kỳ), Cò Nòi 577mm (cao hơn 121%), Mai Châu 755mm (cao hơn 124%), Hòa Bình 704mm (cao hơn 98%).
Khu vực Việt Bắc: tại trạm Hà Giang 917mm (cao hơn 65%), Bắc Quang 1.058mm (cao hơn 31%), Định Hóa 637mm (cao hơn 76%), Phú Hộ 504mm (cao hơn 97%).
Khu vực Đông Bắc: tại trạm Bãi Cháy 950mm (cao hơn so với trung bình nhiều năm 123%); Cửa Ông 842mm (cao hơn 65%); Móng Cái 851mm (cao hơn 40%).
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ: tại trạm Hoài Đức 685mm (cao hơn 148%), Phủ Lý 638mm (cao hơn 108%), Ninh Bình 593mm (cao hơn 132%).
Chuyên gia khí tượng cảnh báo sắp tới bước vào thời kỳ cao điểm mưa lũ của khu vực miền núi phía Bắc, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Tây Nguyên. Do đó, các khu vực này nguy cơ cao xảy ra lũ quét, trượt lở đất.
Mưa bão cuối năm diễn biến phức tạp
Cũng theo ông Mai Văn Khiêm, thời gian tới là mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ, chúng ta vẫn đối mặt với các đợt mưa lớn cũng như hiện tượng mưa rào và dông, cần cảnh giác cao nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.
Dự báo xa hơn, trong khoảng nửa cuối năm 2024 với kịch bản La Nina xuất hiện và bắt đầu tác động đến nước ta vào các tháng cuối năm, đúng thời kỳ mùa mưa, bão tập trung ở Trung Bộ. Do đó, tình hình bão, mưa, lũ trong nửa cuối năm sẽ có nhiều diễn biến phức tạp.
“Thống kê cho thấy, những năm La Nina xuất hiện, lượng mưa thường vượt trung bình nhiều năm ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Đáng lưu ý, khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn ở khu vực Trung Bộ, nhất là trong các tháng mùa thu.
Vì vậy, các địa phương cần chủ động rà soát các điểm xung yếu lũ quét, sạt lở đất trước mùa mưa bão và trước các đợt mưa lớn để đảm bảo an toàn cho người dân.
Ngoài ra, một điều gần như chắc chắn là hiện tượng dông lốc trên đất liền và trên các vùng biển, mưa lớn cục bộ thời gian ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế – xã hội”, ông Khiêm cảnh báo.
Thời gian tới, mưa lớn sẽ xuất hiện nhiều hơn, các khu đô thị đề phòng ngập úng. (Ảnh minh hoạ: Đắc Huy)
Để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia khuyến cáo, người dân cần thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin dự báo, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các dự báo thiên tai được trung tâm cảnh báo từ sớm, từ xa, khi có thêm dữ liệu tính toán mới sẽ được cập nhật liên tục, càng gần thì bản tin càng chính xác.
“Từ bài học kinh nghiệm ứng phó các loại hình thiên tai những năm qua, khi cộng đồng và người dân tuân thủ thực hiện các phương án ứng phó sớm thì thiệt hại giảm đi đáng kể”, ông Mai Văn Khiêm nói.
Nguồn: https://vtcnews.vn/chuyen-gia-ly-giai-nguyen-nhan-bac-bo-ngap-lut-sat-lo-tu-mien-nui-den-dong-bang-ar886906.html